Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

Khu đô thị mới Bắc sông Cấm: Bước đột phá trong phát triển đô thị Hải Phòng

Với mục tiêu xây dựng khu trung tâm hành chính - chính trị TP Hải Phòng trở thành đại đô thị năng động và thịnh vượng bậc nhất phía Bắc Việt Nam; có kết cấu giao thông, cấp thoát nước, cấp năng lượng, chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc, cây xanh, xử lý nước thải, chất thải rắn… đồng bộ, hiện đại, Dự án xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm (DA xây dựng HTKT KĐTM Bắc sông Cấm) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1131 ngày 24/6/2016, tạo ra bước đột phá trong phát triển đô thị Hải Phòng.

Phối cảnh tổng thể Dự án xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm
Vì mục tiêu phát triển đô thị Hải Phòng văn minh, hiện đại
Ông Tạ Viết Đông - Giám đốc BQL công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng cho biết: Nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 32-NQ/TW và Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị hướng tới mục tiêu “Xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng Duyên hải Bắc bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc… thành phố Hải Phòng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư DA xây dựng HTKT KĐTM Bắc sông Cấm với tổng mức đầu tư dự án hơn 9.899 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác.
Dự án được thực hiện tại các xã Tân Dương, Dương Quan, Hoa Động (huyện Thủy Nguyên) và phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) với thời gian 5 năm từ 2016 - 2020. BQL công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng là chủ đầu tư DA.
Mục tiêu đầu tư là xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ chiều dài khoảng 1.138,5 m; xây dựng đê tả sông Cấm chiều dài khoảng 2.016 m; xây dựng hệ thống giao thông chính Khu đô thị mới Bắc sông Cấm tổng chiều dài khoảng 9,958 km; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ cho toàn bộ khu vực Bắc sông Cấm với quy mô 1.445,51 ha. Đồng thời, phát triển mở rộng thành phố về phía Bắc và từng bước hoàn thiện hệ thống trung tâm thành phố mới theo định hướng phát triển không gian đô thị và theo điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Hải Phòng đã triển khai ngay các bước khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư, đơn vị trúng thầu là Liên danh Cty CP Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam (VCC) và TCty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải - CTCP (TEDI). Bộ Giao thông Vận tải đã thẩm định thiết kế đối với các công trình giao thông vận tải, còn các công trình khác được Bộ Xây dựng thẩm định.
Tiếp đó, UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt quyết định đầu tư và phê duyệt phương án kiến trúc công trình sau khi nghe ý kiến của UBND TP, Đảng bộ TP, Thường trực Thành ủy, Hội đồng kiến trúc quy hoạch TP và lấy ý kiến cộng đồng dân cư.
Bước đột phá trong phát triển đô thị Hải Phòng
Ngày 1/9/2016, UBND thành phố Hải Phòng đã ra Quyết định 1833 lựa chọn phương án kiến trúc cầu Hoàng Văn Thụ thuộc DA xây dựng HTKT KĐTM Bắc sông Cấm, do Liên danh Cty CP Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam (VCC) và TCty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải - CTCP (TEDI) lập và phấn đấu khởi công trong quý IV năm 2016. Sự kiện khởi công cầu Hoàng Văn Thụ, mở đầu cho việc triển khai DA xây dựng HTKT KĐTM Bắc sông Cấm sẽ đánh dấu một bước đột phá trong phát triển đô thị hạ tầng, đưa Hải Phòng tới gần mục tiêu “Xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại” tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hơn.

Phối cảnh cầu Hoàng Văn Thụ theo hình cánh chim biển
Theo thiết kế kiến trúc, Cầu Hoàng Văn Thụ có kiến trúc thiết kế theo hình dáng “Cánh chim biển”, là cầu vòm ống thép nhồi bê tông chạy giữa sơ đồ nhịp 45m+200m+45m, chiều dài cầu chính 290m; bề rộng cầu 33,5m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và 2 lề đi bộ. Đây là dạng cầu đẹp bởi hình dáng cầu uốn lượn, rất dễ tạo sự hài hòa trong cảnh quan của khu vực. So với các dạng cầu vòm khác thì cầu vòm chạy giữa sẽ có khả năng áp dụng nhịp lớn do tỷ lệ hợp lý giữa kiến trúc phần trên và kiến trúc phần dưới, do đó không vi phạm các điều kiện hạn chế về vùng khống chế bay cũng như tĩnh không thông thuyền. Đặc biệt thiết kế này cũng tạo ra sự khác biệt với các cây cầu khác qua sông Cấm như: cầu Bính, cầu Nguyễn Trãi, cầu Bạch Đằng…
Cũng theo thiết kế đường dẫn được thiết kế 2 nhánh hình tròn đối xứng, bán kính 65m, một phần của mỗi nhánh xếp chồng lên nhau. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng của đường dẫn hơn 41.300m2. Nhánh lên và xuống cầu Hoàng Văn Thụ đều tiếp cận với đường quy hoạch ven sông Cấm. Hai nhánh lên và xuống bố trí đối xứng nhau qua cầu chính. Đường Hoàng Văn Thụ tổ chức 4 làn xe chạy 2 chiều để kết nối với đường quy hoạch ven sông Cấm.

Lấy ý kiến dân cư về Dự án xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm
Theo ông Tạ Viết Đông - Giám đốc Ban Quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng: Cầu Hoàng Văn Thụ được lựa chọn phương án cầu dẫn và chống va xô của cầu. Các phương án thiết kế được xây dựng dựa trên nguyên tắc hài hòa cảnh quan khu vực và các công trình lân cận; mang nét kiến trúc chuyển tiếp giữa hai khu vực phía Nam và phía Bắc của Hải Phòng, bảo đảm khu vực bảo tồn và phát huy giá trị khu đô thị hiện đại; công trình còn mang tính biểu tượng, trở thành điểm nhấn trên dòng sông Cấm, sẽ nối trục Bắc - Nam thành phố (phía Nam sông Cấm) với trục chính phía Bắc sông Cấm, nối đến đường Vành đai 2 và kéo dài đến thị trấn Núi Đèo, kết nối Quốc lộ 10 đi Quảng Ninh. Công trình mang nét kiến trúc chuyển tiếp giữa hai khu vực phía Nam là trung tâm thành phố cũ và phía Bắc là Khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Hiện BQL đang khẩn trương chuẩn bị để kịp khởi công cầu Hoàng Văn Thụ trong quý IV này như chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hải Phòng.
Theo baoxaydung.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét