Mặc dù Nhà nước đã đưa ra một số chính sách ưu đãi và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường bất độn sản, đáp ứng nhu cầu về nhà ở rất lớn cho người dân, nhưng phân khúc nhà ở xã hội không phải chủ đầu tư nào cũng mặn mà. UBND TP Hà Nội vừa đồng ý cho triển khai hơn 20 dự án, nhưng số dự án bàn giao nhà cho người dân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau khi gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, các dự án tại phân khúc này đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc cần được nhanh chóng tháo gỡ.
5 nguyên nhân gây khó cho nhà ở xã hội
Theo quy định, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất; được hoàn trả lại số tiền sử dụng đất đã nộp hoặc được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư dự án phải nộp cho Nhà nước. Khách hàng mua nhà được giảm thuế giá trị gia tăng; doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; được hỗ trợ vốn ưu đãi vay ngân hàng với lãi suất thấp; được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước)... Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện, phóng viên đã nhận được phản ánh từ các chủ đầu tư có rất nhiều nguyên nhân gây khó cho nhà ở xã hội.
![](https://www.baoxaydung.com.vn/stores/news_dataimages/hiep/092016/01/09/091901baoxaydung_3.jpg)
Thứ nhất là thủ tục bán nhà chặt chẽ, qua nhiều khâu thẩm duyệt. Đối tượng mua nhà phải chứng minh về nhà ở dưới 8m2/người, thu nhập bình quân gia đình dưới 9 triệu/tháng và một loạt các giấy tờ khác cần xác nhận để đạt chấm điểm tốt như gia đình có công với cách mạng, đặc thù nghề nghiệp, gia cảnh… Hồ sơ mua nhà phải qua kiểm duyệt tại Sở Xây dựng.
Thứ hai là các quy định về vật liệu xây dựng phải sử dụng trong công trình nhà xã hội chưa hợp lý. Ví dụ, dự án Rice City Linh Đàm doanh nghiệp chấp nhận chi phí cao hơn để sử dụng gạch đỏ nung truyền thống, không sử dụng gạch cốt liệu không nung để đảm bảo công trình chất lượng bền vững, không bị thấm và nứt như thực tế công trình khác đã sử dụng.
Thứ ba là sự hỗ trợ về gói tín dụng lãi suất thấp không ổn định, chưa cụ thể. Sau khi hết gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ, khách hàng có nguy cơ phải vay với lãi suất cao hơn hoặc khách hàng có tâm lý chờ đợi gói hỗ trợ mới. Nhà nước cần có chính sách cụ thể, rõ ràng nhất quán trong dài hạn về lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội.
Thứ tư là giá bán nhà ở xã hội qua các cơ quan chức năng kiểm tra phê duyệt với mức lợi nhuận thấp. Như dự án Rice City Linh Đàm, chủ đầu tư tự nguyện chấp nhận lợi nhuận thực tế là 2% để đạt giá bán theo quy định phải dưới 15 triệu đồng/m2, cụ thể đã qua thẩm và phê duyệt với giá bán bình quân là 14,84 triệu/m2. Với mức lợi nhuận này, nếu các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thông thường sẽ không muốn làm.
Thứ năm là, gần đây quy định phải có 3 tầng hầm đối với nhà chung cư là không phù hợp với nhà ở xã hội do vị trí xây nhà xã hội luôn ở ven khu nội đô, không phải khu trung tâm với chiều cao xây dựng thấp, nếu áp dụng sẽ tăng thêm giá bán mà hiện nay theo quy định là chỉ duyệt giá dưới 15 triệu đồng/m2.
Gỡ khó cho các dự án mới
Mặc dù nhiều khó khăn nhưng vẫn có một vài doanh nghiệp tâm huyết, biết cách giảm chi phí, giảm giá thành mà vẫn đảm bảo chất lượng. Các chủ đầu tư này vẫn liên tục đưa các dự án nhà ở xã hội vào đầu tư xây dựng như dự án Ecohome 2 của Công ty Cổ phần Thủ Đô hay Công ty Cổ phần Bic Việt Nam, sau thành công dự án Rice City Linh Đàm tiếp tục triển khai dự án Rice City Sông Hồng tại phường Thượng Thanh, Long Biên với dự kiến khởi công cuối năm 2016.
Dự án Rice City Sông Hồng đang trong giai đoạn thẩm tra hồ sơ thiết kế thi công xin phép xây dựng, đang khảo sát nhu cầu khách hàng bằng phương thức tiếp nhận công khai đăng ký nhu cầu của khách hàng qua website của Công ty theo số thứ tự. Đồng thời minh bạch các thủ tục, quy trình tại trang website của Công ty và của Sở Xây dựng để khách hàng nghiên cứu. Công ty sẽ tiếp nhận hồ sơ chính thức khi công trình được khởi công và hoàn thành phần móng theo quy định.
Ông Đinh Thế Quỳnh - Phó Giám đốc sàn BĐS Hải Phát cho biết: " Người đăng ký mua nhà ở xã hội rất đông nhưng trông chờ có gói hỗ trợ mới mới ký hợp đồng. Đề nghị Nhà nước có chính sách rõ ràng trong dài hạn có gói hỗ trợ hay không để ổn định tâm lý người mua".
Ông Nghiêm Xuân Thủy - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP BIC Việt Nam chia sẻ: "Sau thành công dự án Rice City Linh Đàm, chúng tôi tiếp tục triển khai dự án NƠXH Rice City Sông Hồng ở Thượng Thanh - Long Biên. Hiện chủ đầu tư đang xây dãy nhà thấp tầng, đang chuẩn bị triển khai làm móng nhà cao tầng. Chúng tôi đang thông báo thủ tục đăng ký cho khách hàng công khai trên trang web của Công ty và Sở Xây dựng TP. Hà Nội. Chúng tôi mong muốn có nhiều kênh truyền thông hỗ trợ để nhiều khách hàng biết được về dự án".
Thực tế cho thấy, nhà ở xã hội chỉ được triển khai thành công bởi các doanh nghiệp có năng lực và tâm huyết với phân khúc này. Nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, Nhà nước, thành phố Hà Nội cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về văn bản thủ tục, xây dựng quy chế phối hợp thông tin, hỗ trợ truyền thông chính thống cho các dự án nhà ở xã hội thay vì chỉ trên trang web Công ty và Sở Xây dựng hiện nay như doanh nghiệp mong đợi.
Theo baoxaydung.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét