![](https://www.baoxaydung.com.vn/stores/news_dataimages/nga/072016/26/14/140948baoxaydung_Xddddddddddddd.jpg)
Đồng Hới đang thay đổi diện mạo.
Đồng Hới là đơn vị hành chính gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của tỉnh Quảng Bình. Trở thành trung tâm tỉnh lỵ Quảng Bình từ năm 1885, đến ngày 16/8/2004 Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2004/NĐ-CP về việc thành lập TP Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình.
TP Đồng Hới nằm ven biển, có chiều dài bờ biển 15,7km với hai bãi biển đẹp là Nhật Lệ và Bảo Ninh; có QL1, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam chạy qua, có cảng hàng không Đồng Hới, cảng biển Nhật Lệ thuận lợi trong giao thương kinh tế và phát triển du lịch, dịch vụ.
10 năm qua, Đồng Hới đã có nhiều phấn đấu và đạt được những bước tiến mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ theo hướng TP dịch vụ, du lịch. TP có 16 đơn vị hành chính với tổng diện tích tự nhiên 155km2, chiếm khoảng 19,2% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, tổng dân số 160 nghìn người (năm 2013) và tỷ lệ đô thị hóa đạt 75%. Thu nhập bình quân của người dân Đồng Hới năm 2013 đạt gần 2.900 USD, cao gấp 1,46 lần thu nhập bình quân đầu người cả nước.
Ngày 30/7/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1270/QĐ-TTg công nhận TP Đồng Hới là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Bình. Vinh dự và tự hào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Hới nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu mới trên bước đường xây dựng TP ngày càng văn minh, giàu đẹp, rợp bóng cây xanh. Trước thực tế việc phát triển hệ thống cây xanh đô thị, HĐND TP Đồng Hới đã ban hành nghị quyết chuyên đề về “phát triển cây xanh đường phố Đồng Hới giai đoạn 2011 - 2015” nhằm mục tiêu cải thiện một cách cơ bản về chất lượng, số lượng cây bóng mát trên địa bàn, xây dựng cơ chế để toàn thể cộng đồng dân cư cùng tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh đô thị, cây xanh đường phố... phấn đấu để Đồng Hới sớm trở thành một TP xanh.
Những năm gần đây, cùng với cả tỉnh, diện mạo Đồng Hới đã có nhiều đổi thay tích cực. Đặc biệt là sự đổi thay vượt bậc của Đồng Hới trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị, nhất là trong 5 năm trở lại đây. Người dân địa phương và du khách đã trở nên quen thuộc với hình ảnh những người công nhân cần mẫn chăm sóc cây xanh TP. Gần 22.400 cây xanh, 204 nghìn m2 công viên, khuôn viên, dải phân cách, 41 nghìn m2 vườn ươm... Trung tâm Công viên cây xanh Đồng Hới còn thực hiện hiệu quả việc cung ứng các dịch vụ điện chiếu sáng sân vườn, công viên; tư vấn thiết kế, giám sát, thi công đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống cây xanh; sản xuất kinh doanh điện chiếu sáng, điện trang trí; tổ chức thu dọn vệ sinh, thu gom rác thải các hồ trên địa bàn và sông Nhật Lệ...
Nhìn chung, số cây xanh đường phố đều sinh trưởng và phát triển khá tốt, đảm bảo độ che phủ bóng mát và tạo được không khí, môi trường trong lành. Cây trồng mới và cây thay thế đảm bảo đúng quy định của Bộ Xây dựng, khoảng cách từ 5 - 8m. Trong quá trình thực hiện, các trục đường chính của TP, các tuyến đường vào các khu du lịch, sân bay, 2 đầu cửa ngõ của TP được ưu tiên trồng trước kết hợp với trồng hoa, cây cảnh ở các dải phân cách, do vậy đã tạo nên sự khởi sắc khá rõ nét cho đường phố Đồng Hới, để lại ấn tượng cho khách du lịch.
Điều đáng mừng là ý thức của người dân Đồng Hới đã có sự thay đổi; trách nhiệm cộng đồng trong việc tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh được xác định rõ; nhờ vậy mà các hiện tượng bẻ cành, chặt cây hay thả rông trâu bò làm gãy cây hạn chế hẳn; ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ công viên, cây xanh đường phố được nâng cao một bước.
Để thực hiện chỉ tiêu 22.400 cây xanh đường phố, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xã hội hóa việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, TP Đồng Hới cần sớm xây dựng quy chế quản lý, xử phạt các hành vi phá hoại cây xanh; Mặt khác về phía trung tâm công viên cây xanh cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương, đơn vị trên địa bàn trong việc trồng cây mới và cây thay thế phù hợp, lựa chọn chủng loại cây phù hợp với từng loại đường. Trước khi trồng, phải nghiên cứu kỹ về độ dài, độ rộng của đường để trồng cây xanh hay cây cổ thụ, cây bóng mát cho phù hợp và đảm bảo tính thẩm mỹ; phát triển vườn ươm cây tại P.Bắc Nghĩa để cung cấp giống cây cho hoạt động này...
Đã có những con đường rợp bóng cây xanh trên mảnh đất gió lào cát trắng; đã có những vườn hoa, công viên cho mọi người nghỉ ngơi thư giãn mỗi ngày!
(Theo Xây dựng Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét