Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Hà Nội: Duyệt nhiệm vụ quy hoạch trung tâm thị trấn Thường Tín

Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch trung tâm thị trấn Thường Tín với tổng diện tích đất khoảng 57.3ha, quy mô dân số khoảng 3.200 người.


UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6524/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Trung tâm thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, tỷ lệ 1/500 thuộc địa giới hành chính thị trấn Thường Tín và các xã Văn Bình, Văn Phú.
Đây là trung tâm về chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Thường Tín với tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 57.3ha; quy mô dân số khoảng 3.200 người. 
quy hoạch thị trấn thường tín
Hà Nội: Duyệt nhiệm vụ quy hoạch trung tâm thị trấn Thường Tín. Ảnh minh họa
Quy hoạch nhằm rà soát, khớp nối các dự án, đề xuất giải pháp quy hoạch sử dụng đất, đồng thời tạo lập không gian đô thị hiện đại, đồng bộ về giao thông, công trình hạ tầng; cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu kết hợp xây mới theo quy hoạch hài hòa với các khu vực lân cận, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng và bổ sung hoàn thiện tính chất, chức năng của khu trung tâm hành chính, chính trị huyện Thường Tín. Xác định và quy định khu vực cần kiểm soát, khu vực xây dựng ngầm (nếu có). Xây dựng quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết làm cơ sở pháp lý để các cơ quan, chính quyền địa phương quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt…
Theo quy hoạch, trục không gian cảnh quan hai bên QL1A bố trí một số không gian cây xanh lớn kết hợp mặt nước điều hòa để xây dựng công viên phục vụ vui chơi giải trí cho đô thị, đồng thời tạo cảnh quan đẹp cho trục đường, bổ sung quỹ đất bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ dân cư địa phương.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tương xứng với vị trí ở vùng đô thị phía Nam Hà Nội, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển đô thị trung tâm Hà Nội.
Theo Tri thức trẻ

Hà Nội: Công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch khu vực Miêu Nha tỷ lệ 1/500

Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức hội nghị công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch chi tiết khu vực Miêu Nha, tỷ lệ 1/500, tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

quy hoạch 1/500 khu vực Miêu Nha
Phối cảnh tổng thể quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Miêu Nha
Theo đó, tổng quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 37,77ha (377.722m2); quy mô dân số khoảng 4.440 người. Khu đất được quy hoạch gồm các chức năng sử dụng đất, gồm: khoảng 51.908m2 đất cây xanh thành phố; khoảng 26.491m2 đất sông Cầu Ngà; khoảng 18.026m3 đất công cộng đơn vị ở; khoảng 4.113m2 đất nhà trẻ, mẫu giáo; khoảng 22.738m2 đất cây xanh đơn vị ở; khoảng 15.261m2 đất ở làng xóm và dân cư hiện có; đất nhà ở khoảng 70.876m2, bao gồm 63.516m3 nhà ở cao tầng và 7.360m2 nhà ở thấp tầng.
Bên cạnh đó, còn có đất đường phân khu vực khoảng 22.335m2; đất bãi đỗ xe khoảng 15.415m2; đất đường thành phố, khu vực khoảng 60.660m2; đất cơ quan, trường đào tạo, viện nghiên cứu khoảng 41.324m2; đất tôn giáo, tín ngưỡng khoảng 1.602m2, là đất chùa Thiên Khánh, đã xếp hạng di tích.
Theo Báo Xây dựng Online

Năm 2017, Tp.HCM sẽ thu hồi 7.000ha đất cho 880 dự án

UBND Tp.HCM dự kiến, trong năm 2017 sẽ có 880 dự án với tổng diện tích hơn 8.000ha cần thu hồi đất, trong đó diện tích đất thu hồi khoảng 7.000ha.


Thu hồi đất
Tp.HCM sẽ thu hồi 7.000ha đất cho 880 dự án trong năm 2017
UBND Tp.HCM vừa trình HĐND thành phố xem xét, thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất và danh mục các dự án có chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa; dưới 20ha đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ trong kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của quận, huyện.
Cụ thể, trong năm 2017 sẽ có 880 dự án với tổng diện tích hơn 8.000ha cần thu hồi đất, trong đó diện tích đất thu hồi khoảng 7.000ha.
Trên địa bàn Tp.HCM cũng sẽ có 321 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, trong đó có 316 dự án có sử dụng đất lúa, 5 dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ.
Nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình và cá nhân tại 9 quận, huyện với tổng diện tích là 1.373ha, trong đó quận 9, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi,... là những địa phương có diện tích đất chuyển đổi lớn.
Theo Trí thức trẻ

Tp.HCM: Lập dự án chuẩn bị xây cầu Thủ Thiêm 3

Mới đây, UBND Tp.HCM đã giao cho Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn - Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc lập đề xuất xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 và nâng cấp đường Tôn Đản ở quận 4 theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).


Dù được giao nghiên cứu đề xuất dự án nói trên, nhưng không có nghĩa 3 công ty này sẽ ràng buộc Tp.HCM chỉ định chính họ là chủ đầu tư cho Dự án. Tức là, cánh cửa vẫn mở với các nhà đầu tư khác.
cầu thủ thiêm 3
Tp.HCM giao 3 công ty lập dự án xây cầu Thủ Thiêm 3
Điểm đầu bên của cầu Thủ Thiêm 3 là đường Tôn Đản băng qua đường Nguyễn Tất Thành và cảng Sài Gòn rồi vượt sông Sài Gòn để nối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm - một trung tâm mới của Thành phố trong tương lai.
Theo tìm hiểu của Pv, ngay sau khi phương án nghiên cứu đề xuất đầu tư cho dự án trên hoàn thành, Tp.HCM sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định.
Từ nay đến năm 2020, theo quy hoạch, Tp.HCM sẽ xây dựng thêm 4 cây cầu bắc qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, cầu Thủ Thiêm 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng, cầu Thủ Thiêm 2 đang được thi công. Các cầu còn lại gồm cầu Thủ Thiêm 3, 4 và cầu đi bộ từ Quận 1 sang Thủ Thiêm đang lập dự án đầu tư.
Theo Báo Đấu thầu

7 mẹo phong thủy cần biết để tiền bạc không trôi khỏi nhà

Trong phong thủy, nếu bạn muốn thu hút may mắn và tài lộc, có một số mẹo đơn giản nhà nào cũng có thể áp dụng.



1. Không có cây chết khô tại nhà
Các chuyên gia phong thủy thường khuyên nên bày cây trong ngôi nhà của bạn để lưu thông dòng chảy của năng lượng. Nhưng nếu bạn là một người quá lười biếng để chăm sóc chúng thì tốt hơn hết là không nên có cây cối trong nhà. Điều này là do việc giữ bất kỳ cây héo, chết đại diện cho cái chết và sẽ mang lại năng lượng tiêu cực vào trong nhà của bạn.
2. Nhà càng gọn gàng thì phong thủy càng tốt
Đây là nguyên tắc phong thủy cơ bản nhất. Đó là lí do tại sao mọi người thường hay tổng dọn dẹp nhà cửa mỗi năm một lần vào trước thềm năm mới - để cầu mong tất cả mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến. Tuy nhiên, trong suốt cả năm, bạn vẫn cần giữ cho không gian sống gọn gàng để năng lượng trong nhà luôn hanh thông và tích cực.
7 mẹo phong thủy cần biết để tiền bạc không trôi khỏi nhà

3. Đảm bảo dòng chảy năng lượng tốt ở cửa chính
Cửa chính là miệng của năng lượng. Do đó, bạn luôn luôn phải tạo ra một con đường mời gọi năng lượng tích cực chảy vào nhà bạn và thận trọng với bất kỳ vật cản nào. Luôn luôn giữ cho không gian ở tại hoặc bên ngoài cửa chính gọn gàng bằng cách loại bỏ bất kỳ thùng, chậu cũ, giày hoặc bất cứ thứ gì bạn có thể tìm thấy.
4. Đảm bảo rằng bồn cầu luôn đóng nắp khi không sử dụng
Lý do là bởi không chỉ vì mục đích vệ sinh nhưng theo quan điểm phong thủy truyền thống, nó tượng trưng cho năng lượng tốt hay của cải trôi tuột ra khỏi nhà của bạn.
7 mẹo phong thủy cần biết để tiền bạc không trôi khỏi nhà

5. Sửa chữa các đồ vật bị hỏng
Hãy chắc chắn rằng tất cả các thiết bị chiếu sáng, đặc biệt là hệ thống ống nước bị rò rỉ và bất kỳ những thứ khác bị hỏng, được sửa chữa kịp thời. Nếu không thể sửa được, bạn cần thay mới để ngăn chặn năng lượng tiêu cực trong không gian sống của gia đình.
6. Xác định vị trí chiêu tài
Hãy tìm khu vực chiêu tài - thu hút tiền bạc trong ngôi nhà của bạn. Khi tìm thấy vị trí này, chăm sóc đặc biệt và trang trí với biểu tượng của sự giàu có, bao gồm bất kỳ vật phẩm phong thủy tượng trưng cho sự giàu có, ví dụ, ếch ba chân, thạch anh, đồng tiền vàng, Phật Di Lặc,...
7. Treo tranh hình sông nước
Nước tượng trưng cho tiền bạc và sự giàu có. Treo tranh thác nước trong phòng khách rất tốt cho phong thủy vì chúng thu hút của cải vào nhà. Nhưng lưu ý rằng bạn phải chọn một bức tranh mà nước chảy vào bên trong căn nhà của bạn, thay vì chảy ra ngoài vì có sai hướng có thể có nghĩa là mất tiền.
7 mẹo phong thủy cần biết để tiền bạc không trôi khỏi nhà


Theo Kiến thức

Cận cảnh 9 mẫu thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành

9 mẫu thiết kế mỗi mẫu mang một ý nghĩa và hình tượng khác nhau về sân bay Long Thành trong tương lai được trưng bày tại Triển lãm Hoa Lư (Hà Nội) để lấy ý kiến người dân.



Sáng 28/11, 9 phương án kiến trúc nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành được trưng bày bằng mô hình tại Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hà Nội để lấy ý kiến người dân. Bản vẽ phối cảnh cùng các thông tin chi tiết được Bộ GTVT, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thiết kế triển lãm.
Đây là các phương án kiến trúc được lựa chọn trong tổng số 16 đơn vị tham gia sơ loại thi tuyển quốc tế.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ GTVT, đơn vị ACV tổ chức triển khai kế hoạch lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các tổ chức, chuyên gia về phương án kiến trúc nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau đó đơn vị chức năng sẽ lựa chọn phương án kiến trúc đạt hiệu quả cao nhất, đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi để xây dựng công trình.
Mỗi khách tham quan triển lãm được phát một phiếu tham khảo ý kiến, trong đó sẽ lựa chọn các phương án kiến trúc tối ưu theo nhận định đánh giá của bản thân. ACV sẽ tổng hợp các ý kiến sau hai tuần triển lãm từ 28/11 đến hết ngày 12/12 để trình Thủ tướng và Bộ GTVT.
Sau Hà Nội, các thành phố lớn như Đà Nẵng và TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai trưng bày lấy ý kiến nhân dân tới hết ngày 23/1/2017.
Ở phương án dự thi số 1, tác giả lấy hình tượng chim sẻ để đưa vào thiết kế phần mái cho toàn bộ công trình.
Bên cạnh đó, phương án còn nghiên cứu hình dạng đan kết của nón lá, tre để lấy cảm hứng vào thiết kế phần trang trí hoạ tiết mái và nội thất, hoạ tiết trần của nhà ga.
Với phương án số 2, tác giả lấy ý tưởng cảnh đẹp thiên nhiên của Việt Nam như ruộng bậc thang với những hình khối nhấp nhô của những núi đá Vịnh Hạ Long để đưa vào thiết kế hình khối công trình.
Phối cảnh bên ngoài cho thấy mái của sảnh nhà ga uốn lượn như những con sóng, nhấp nhô như ngọn núi đá.
Hình ảnh bông sen cách điệu được tác giả đưa vào, sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, mái, phối cảnh mặt chính nhà ga, cảnh quan bên trên mái nhà để xe, nội thất khu vực quầy làm thủ tục.
Hình khối khu vực nhà ga chính (mái) là những cánh hoa sen lớn, mang lại cho du khách quốc tế một cảm nhận ban đầu, ấn tượng, lưu giữ về hình ảnh của quốc hoa Việt Nam.
Với phương án số 4, tác giả sử dụng vật liệu từ cây tre (hình ảnh gắn liền với đồng quê Việt Nam) được thiết kế thành hệ kết cấu đan kết để áp dụng cho toàn bộ thiết kế không gian công cộng của nhà ga.
Từ sảnh nhà ga đi, khu kinh doanh dịch vụ, khu miễn thuế, phòng chờ hành lang ga đến… đều được thiết kế bằng chất liệu tre, vật liệu xanh thân thiện với môi trường.
Hoa sen tiếp tục được tác giả bản thiết kế số 5 đưa vào mặt đứng công trình để tạo nên hình ảnh nhà ga mang nét thiên nhiên.
Phương án này còn lấy ý tưởng về vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh quan văn hoá Việt Nam (hòn Trống Mái của Vịnh Hạ Long, không gian cây xanh với những rặng dừa) để đưa vào kiến trúc nội thất nhà ga.
Phương án thiết kế số 6 sử dụng hình tượng cánh bướm thiết kế hình khối nhà ga trong tổng mặt bằng cảng hàng không. Ngoài ra nón lá Việt Nam cũng được đưa vào cách điệu tại các cột đỉnh công trình.
Phối cảnh toàn bộ nhà ga nhìn từ trên cao như một cánh bướm.
Thêm một phương án được sử dụng các hình ảnh thân thuộc với Việt Nam là lá cọ, dừa nước áp dụng vào phần mái công trình. Phương án số 7 mang đến một nhà ga đậm chất văn hoá địa phương.
Bố cục nhà ga đi được thể hiện ý tưởng như những con thuyền di chuyển trên sông nước đồng quê Việt Nam. Khu vực sảnh ngoài được nhiều khách tham quan đánh giá là có nét tương đồng với nhà ga T2 Nội Bài, Hà Nội.
Trong phương án số 8, tác giả lấy ý tưởng là đan kết không gian (thể hiện qua các nghiên cứu hình ảnh kết cấu, cây, nón, rổ,…) đưa vào thiết kế phần mái trung tâm nhà ga (hình tròn) và vào thiết kế mặt bằng khu chức năng tại 4 nhóm cột thép tại không gian sảnh chính và sảnh bên ngoài.
Ý tưởng từ đan kết không gian nón, rổ, cây cối nhưng lại hoàn thiện bằng khung théo bên trong, mái kim loại, vách kính bao che tạo một không gian hiện đại, năng động.
Ở phương án cuối cùng, giống với thiết kế số 3, tác giả cũng lấy hoa sen để đưa vào các hoạ tiết công trình như phần đỉnh cột nhà ga, mái nhà ga.

Phương án kiến trúc thể hiện theo phong cách hiện đại với các mô tuýp trang trí và cách phối màu với gam trầm, hồng nhạt của sen và màu nâu thể hiện ở chi tiết đỉnh cột.

Theo zing.vn

Triệu phú dựng nhà tre giữa công viên trung tâm ở Australia

Công trình sử dụng 7 km tre, 26 km dây buộc để tạo ra không gian mộc mạc giữa vườn cây xanh mướt.


Nếu tới thăm Melbourne (Australia) từ nay tới 18/2/2017, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng một công trình lạ mắt giữa những khối nhà hiện đại, vườn cây xanh. Đó là ngôi nhà tre được sử dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng ở công viên Queen Victoria. Sau đó, nhà sẽ được chuyển tới trưng bày ở địa điểm mới. 
Công trình mang tên MPavilion 2016 nằm trong dự án được bắt đầu cách đây 3 năm do triệu phú Naomi Milgrom (bên trái) khởi xướng và tài trợ. Bà chọn KTS người Ấn Độ, Bijoy Jain (Studio Mumbai) bởi thiết kế của ông có tính cộng đồng, bền vững và được làm thủ công.
Một lượng lớn tre, chốt gỗ, dây buộc được nhập từ Ấn Độ sang. Mái nhà được những người thợ thủ công kết từ thân cây Karvi suốt 4 tháng.
Chính giữa của MPavilion có giếng trời như là nơi kết nối giữa trời và đất. "Mục tiêu của tôi là lựa chọn nguyên vật liệu phù hợp, tôn trọng thiên nhiên xung quanh và hợp tác với những người thợ thủ công để chia sẻ ý tưởng thiết kế, xây dựng", KTS Bijoy Jain cho biết.
Bên ngoài tòa nhà là tháp tazia hay xuất hiện trong các buổi lễ ở Ấn Độ. Kiến trúc sư muốn để lại dấu ấn của quê hương mình đồng thời tạo lời mời gọi mọi người tới không gian công cộng này.
Đây dự kiến là nơi tổ chức cuộc nói chuyện, trình diễn, hội thảo ngoài trời với hệ thống đèn cung cấp đủ ánh sáng vào buổi tối.
Mô hình của công trình.
Theo VnExpress/Ảnh: John Gollings

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Hà Nội: Chung cư cũ chỉ đền bù tối đa 1-1

Hiện nay mức bồi thường chung cư cũ ở Hà Nội cao nhất là gấp 2.2 lần diện tích. Song tới đây, Hà Nội sẽ có cơ chế mới trong việc đền bù, cải tạo chung cư cũ. Tỉ lệ trả lại diện tích chỉ còn 1:1.


Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp ngày 28/11, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty GP Invest phản ánh, hiện nay việc cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn thành phố gần như dậm chân tại chỗ do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông Hiệp cho biết, hầu hết các doanh nghiệp vẫn không đạt được thỏa thuận với người dân trong việc phân chia lại diện tích, căn hộ, số tầng… khi thực hiện cải tạo, xây mới khiến tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt bị chậm lại, có khi kéo dài nhiều năm.
Trong khi đó, về chính sách, quy định vẫn có không ít vướng mắc, mâu thuẫn nhau đặc biệt là quy định diện tích đền bù cho các hộ dân.
Hà Nội: Chung cư cũ chỉ đền bù tối đa 1-1
Hà Nội: Chung cư cũ ở vị trí đất vàng chỉ đền bù tối đa 1-1
Ảnh minh họa.
Được biết, theo quy định, khi xây dựng lại, các hộ gia đình sẽ được đền bù tối đa gấp 2.2 lần diện tích căn chung cư cũ. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều căn hộ chung cư cũ có diện tích chỉ 18 – 20m2, nếu đền bù gấp hai lần cũng chỉ 40m2, trong khi quy định của Bộ Xây dựng là căn hộ chung cư mới phải có diện tích tối thiểu 45m2.
“Số diện tích trội thêm này không phải nhà nào cũng có tiền nộp, từ đó khiến chúng tôi gặp vô vàn khó khăn trong thỏa thuận, giải quyết với người dân”, ông Hiệp nói.
Trước thông tin trên, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, hiện UBND Thành phố đã giao Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan triển khai đề án này. Hà Nội sẽ tiến hành cải tạo hết tất cả các khu chung cư cũ trên địa bàn nhưng với một cách làm và cơ chế hoàn toàn mới.
Lãnh đạo Thành phố đã có văn bản với 19 nhà đầu tư để lập quy hoạch cải tạo 19 chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội. Phương châm là xã hội hóa hoàn toàn. Từ đó nhà đầu tư có thể thuê tư vấn nước ngoài, có kiến trúc quy hoạch khang trang, hiện đại, đồng bộ hơn.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, việc cải tạo chung cư cũ hiện nay giống như bài toán nan giải. 14 năm qua, Hà Nội chỉ xây dựng được 14 tòa chung cư cải tạo lại trong tổng số 1.579 tòa nhà.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Thành phố đã nhìn nhận ra khó khăn của doanh nghiệp, nhất là việc doanh nghiệp tự đi bồi thường cho các hộ, mức bồi thường cao nhất là 2.2 lần diện tích cũ. Do ở những khu chung cư có diện tích đắc địa nên người dân đều đòi hỏi đền bù cao.
Để giải quyết những vướng mắc trên, Chủ tịch Hà Nội khẳng định, tới đây Hà Nội sẽ có những chính sách mới để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ. Thành phố sẽ thực hiện theo lộ trình. Trước mắt sẽ cho mời các nhà đầu tư lên trao đổi, lắng nghe các khó khăn vướng mắc như về mật độ, chiều cao… của chung cư, miễn sao khi thực hiện bất kỳ một dự án nào cũng phải hài hòa được lợi ích của các bên.
Đến giữa năm 2017, Thành phố sẽ đề xuất Chính phủ một số chính sách đặc thù để chọn nhà đầu tư cải tạo toàn bộ các toàn nhà chung cư cũ trên địa bàn. Khi đó, người dân có thể bán đứt cho nhà nước, cho doanh nghiệp căn nhà cũ của mình, hoặc xây mới nhưng chỉ trả lại theo tỷ lệ 1:1. Thành phố sẽ không có cơ chế đền bù như hiện nay mà tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng, xã hội.
“Chúng ta không thể nào đưa ra chính sách tăng thêm diện tích, 1 được 2 như hiện nay. Không có nước nào có chính sách như vậy. Thành phố sẽ triển khai trên tinh thần Nhà nước – Doanh nghiệp – Người dân đều có lợi”, ông Chung nói.
Theo Infonet

Hà Nội: Dân thấp thỏm khi dự án 'kim cương' khởi động

Dự án xây dựng lại khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt được coi là dự án “kim cương” khi nằm trên một trong những trục đường đẹp nhất Thủ đô. Tuy nhiên, dự án bị chậm triển khai gần chục năm do chưa đạt được đồng thuận với người dân. Mới đây, chủ đầu tư bắt đầu phá dỡ nhiều hạng mục, khiến hàng chục hộ dân thấp thỏm lo lắng.


Sống thấp thỏm trên “đất kim cương”

Dự án “Xây dựng lại khu tập thể và cải tạo sắp xếp lại trụ sở làm việc tại địa chỉ 30A Lý Thường Kiệt - 33 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)” được coi là dự án “kim cương” do nằm ở vị trí đắc địa 2 mặt phố ngay giữa trung tâm Hà Nội, cách Hồ Gươm chỉ vài trăm mét.
Dự án cũng là một trong số ít những dự công trình cải tạo chung cư cũ theo hướng xã hội hoá được kỳ vọng đem lại bộ mặt khang trang đô thị. Tuy nhiên, hơn chục năm nay dự án vẫn “án binh bất động” do chưa có sự đồng thuận giữa chủ đầu tư và người dân. 
Hiện nay, trong khi còn khoảng 18/41 hộ dân vẫn còn sinh sống tại khu tập thể cũ tại địa chỉ 30A Lý Thường Kiệt, thì Công ty CP Đầu tư tài chính Toàn cầu đã tiến hành phá dỡ công trình.
tập thể 30A Lý Thường Kiệt
Cầu thang lên tầng 4 khu chung cư tập thể 30A Lý Thường Kiệt đã bị phá dỡ.
Theo quan sát, khu tập thể vốn có 2 đường vào, nay cổng 33 Hàng Bài đã bị bịt lại chỉ còn cổng đi từ ngõ 30A Lý Thường Kiệt. Phía bên trong, khu tập thể cũ ngổn ngang gạch đá chồng lên nhau cao đến 2m. Một phần phía mặt tiền chung cư 3 tầng đã bị phá dỡ, trong khi những hộ dân phía còn lại vẫn đang sinh sống. 
Theo ghi nhận, giống như nhiều khu tập thể khác trên địa bàn Hà Nội, khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt đang bị người dân cơi nới “chuồng cọp”, thêm tầng để tăng diện tích sinh hoạt. 
Trao đổi với Pv, bà Đoàn Thị Vân, một người dân ở đây cho biết, khu chung cư tập thể là một khối liên kết, việc đập phá, tháo dỡ công trình tại đây làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu khu nhà, gây nguy hiểm đến tính mạng của 18 hộ dân còn ở lại. Thực tế, nhiều nhà đã bị nứt tường, nứt trần… Ngoài ra, chủ đầu tư đang chuẩn bị phá ngôi nhà cao tầng sát vách với chung cư. Chung cư tồn tại gần nửa thế kỷ, làm sao chịu được nếu đứng “chơ vơ” không tựa vào công trình khác. “Đây có phải là cách chủ đầu tư ép gần 100 người dân bỏ nhà ra đi?”, bà Vân đặt vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (cư dân ở tầng 3) cho biết thêm, người dân vừa đi lại vừa nơm nớp lo sợ vì cần cẩu phá nhà rầm rầm ngay trên đầu, khiến gạch vôi vữa rơi xuống. Nhà để xe bị đổ sập, sân chơi cho trẻ nhỏ ngổn ngang bê tông.
Cũng theo bà Hà, dự án đã có gần chục năm nay, nhưng đến tháng 9/2016 chủ đầu tư mới đưa người đến phá dỡ. Việc phá dỡ khiến các hộ dân đều bất ngờ, vì không được báo trước. 
“Đến khi các hộ dân khiếu kiện, việc phá dỡ mới được tạm dừng. Người dân luôn đồng thuận với chủ trương của Thành phố, tuy nhiên, chúng tôi bất bình với cách làm việc của chủ đầu tư. Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa có một buổi làm việc trực tiếp để thống nhất phương án đền bù cho người dân", bà Hà bức xúc.

Dự án vẫn phải chờ

Dự án 30A Lý Thường Kiệt nằm trong chủ trương cải tạo, xây dựng các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp theo phương án xã hội hóa của Thành phố Hà Nội. Ngày 10/01/2011, Hà Nội ra văn bản số 213 chấp thuận cho phép chủ đầu tư được thực hiện dự án. 
Các hộ dân cư trú hợp pháp, ổn định, lâu dài tại khu tập thể cũ này sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ. Quy mô dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình nhà ở kết hợp với văn phòng. Có 4 tầng hầm, 1 tầng kỹ thuật với diện tích đất xây dựng 954m2 theo quy hoạch tổng mặt bằng, 55 căn hộ chung cư. 
ĐƯợc biết, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 190 tỷ đồng. Chủ đầu tư được sử dụng kinh doanh để hoàn vốn còn lại khoảng 3.000m2 diện tích xây dựng. UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư thực hiện dự án bắt đầu từ quý I/2011, thời gian hoàn thành vào quý I/2013. Tuy vậy, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng.
Với tư cách chủ đầu tư, đại diện Công ty CP Tư vấn đầu tư tài chính Toàn cầu cho biết, đơn vị đã đàm phán, thỏa thuận, được 2/3 số hộ dân và các cơ quan, tổ chức ủng hộ và đã di chuyển. Trên thực tế, chỉ còn 40 người dân ở lại đòi quyền lợi cao hơn, chứ không phải gần 100 người như phản ánh. Trước khi phá dỡ, nhiều lần chủ đầu tư phối hợp cùng đoàn liên ngành đến để đo đạc, chụp ảnh nhà những hộ dân này để có phương án bồi thường nếu xảy ra hư hại trong quá trình phá dỡ. Tuy nhiên, các hộ dân đóng cửa, từ chối làm việc với đoàn liên ngành.
Do dự án đã chậm tiến độ quá lâu, nên chủ đầu tư xin phương án tháo dỡ theo hình thức cuốn chiếu, hộ dân nào đã di dời thì tháo dỡ khu vực đó. Đã được Sở Xây dựng chấp thuận theo văn bản số 8488 và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Hoàn Kiếm qua văn bản 1173. 
“Những hộ dân ở lại đòi quyền lợi quá cao, khoảng 200 triệu đồng/m2, thậm chí đòi đền bù cả diện tích cơi nới. Trong khi đây là dự án tái định cư tại chỗ chứ không phải dự án nhà ở thương mại nên chúng tôi không thể chấp nhận”, đại diện chủ đầu tư khẳng định.
Theo Tiền Phong 

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Cấm kinh doanh tại chung cư: Quan trọng là hậu kiểm

Quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở được đề ra hướng đến sự an toàn và an ninh của các khu chung cư. Song thực tế cho thấy, điểm quan trọng có tính mấu chốt là khâu hậu kiểm của cơ quan chức năng. Nếu không, hiệu lực lệnh cấm sẽ chỉ trên... giấy.


Hiệu lực lệnh cấm mới chỉ trên... giấy

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015), một trong những hành vi bị nghiêm cấm là sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.
Đặc biệt, theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP, của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, có hiệu lực từ 10/12/2015 đã quy định, trường hợp doanh nghiệp (DN) đã sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm bán hàng trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực, thì phải chuyển sang địa điểm khác. Thời hạn chuyển đổi là 6 tháng, kể từ ngày Nghị định 99 có hiệu lực. Như vậy, từ tháng 6/2016, các DN đã phải chuyển đổi địa điểm kinh doanh.
Thực tế, tại các khu đô thị như Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy), Linh Đàm (Hoàng Mai), Văn Phú (Hà Đông) hay Sài Đồng, Việt Hưng (Long Biên)… hiện đều có rất nhiều DN vẫn đang duy trì văn phòng.
kinh doanh tại chung cư
Lệnh 
nghiêm cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở đã được ban hành.
Nhưng trên thực tế, việc sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng hay kinh doanh
vẫn khá... nhộn nhịp. Ảnh minh họa.
Cụ thể, tại tòa CT34, T1, 29T2, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính vẫn thấy hàng chục bảng tên của các DN thuê căn hộ làm văn phòng. Với địa thế khá thuận lợi, Khu đô thị Việt Hưng cũng được không ít DN, hộ kinh doanh thuê làm địa điểm kinh doanh. 
Theo chị Nguyễn Thu Phương, chủ một tiệm spa tại Khu đô thị Việt Hưng, mức giá thuê các căn hộ chung cư chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng, phù hợp để mở salon tóc hay dịch vụ chăm sóc da. Lượng khách ở khu chung cư lại ổn định nên thu nhập của các salon ở đây khá đều đặn. 
Anh Nguyễn Hữu Tuyến, chủ một DN nhỏ có trụ sở tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính cho biết, chỉ cần nhân viên tuân thủ nghiêm các quy định về an ninh trật tự, tự lo chỗ để xe thì ban quản lý tòa nhà cũng không cấm hoạt động. 
Như vậy, lệnh cấm có hiệu lực đã gần 5 tháng song việc sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng, địa điểm kinh doanh vẫn khá... nhộn nhịp.
Đánh giá về điều này, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Nguyễn Trần Nam cho rằng, tiêu chuẩn thiết kế các tòa nhà chung cư để ở khác so với các trung tâm thương mại hay tòa nhà văn phòng cho thuê, đặc biệt về hệ thống thoát hiểm, điện, nước, thang máy, phòng cháy - chữa cháy. Khi căn hộ được sử dụng làm văn phòng cho thuê, lượng người sử dụng tòa nhà tăng lên, dễ dẫn đến quá tải điện, nước, thang máy... có thể gây chập điện, cháy, nổ. 

Cần kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Tiến Học, Sở đã có thông báo ngừng việc đăng ký đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại các căn hộ trong nhà chung cư. Trường hợp DN, hộ kinh doanh đã đăng ký địa điểm kinh doanh tại các căn hộ trong nhà chung cư thì phải thực hiện đăng ký thay đổi trụ sở sang địa điểm khác theo quy định. Các trường hợp vi phạm sẽ được các cơ quan liên quan kiểm tra và xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Vân Nga, Đoàn Luật sư Hà Nội lại cho rằng, nếu chỉ quy định hành vi cấm sử dụng nhà chung cư làm địa điểm kinh doanh mà không có quy định về việc xử phạt thì chẳng khác gì lệnh cấm trên... giấy. Cần có những chế tài cụ thể để ban quản trị chung cư và các cơ quan chức năng có thẩm quyền áp dụng, thay vì chỉ nhắc nhở như hiện nay. Ngoài ra, các phòng quản lý đô thị quận, huyện, UBND phường, xã cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện hậu kiểm, nếu vi phạm sẽ xử phạt nghiêm.
Ông Nguyễn Trần Nam đề nghị, cũng nên có sự linh hoạt khi áp dụng. Với những văn phòng đại diện, DN quy mô nhỏ, ít người và tính chất công việc văn phòng thuần túy thì nên tạo điều kiện, để người dân có thể cho thuê căn hộ nếu chưa có nhu cầu sử dụng. Điều này không chỉ bảo đảm quyền sở hữu của người dân mà còn có tác dụng phân tán bớt trụ sở DN, hộ kinh doanh khỏi khu vực nội đô...
Theo Hà Nội mới

Tp.HCM: Đề xuất di dời khẩn cấp chung cư ở phố Tây

Chung cư số 155 - 157 đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Tp.HCM) đang hư hỏng nặng, có khả năng sập bất cứ lúc nào.


Mới đây, Sở Xây dựng Tp.HCM vừa có kết luận chính thức về việc đánh giá chất lượng chung cư số 155 - 157 đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1).
Theo đó, công trình này được xây dựng gồm 8 tầng (1 trệt, 1 sân thượng và 6 tầng căn hộ) có kết cấu cốt thép, với tổng diện tích mặt đất là 592m2, diện tích sàn hơn 4.000m2, có 80 căn hộ sinh sống.
Chung cư 155 - 157 đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1)
Chung cư 155 - 157 đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1)
Sở Xây dựng nhận định, qua đánh giá sơ bộ, hiện trạng bên ngoài chung cư chắc chắn nhưng bên trong đã xuống cấp nghiêm trọng. Khả năng chịu lực không đủ đáp ứng với yêu cầu sử dụng như hiện tại; hiện rơi vào cảnh nguy hiểm tổng thể, yêu cầu phải di dời khẩn cấp.
Đây là chung cư thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1. Vừa qua, Công ty CP đầu tư phát triển Thành Phố Mới đã làm đơn gửi Sở Xây dựng, UBND Thành phố mong muốn cải tạo lại chung cư trước khi có kết luận kiểm định.
Toàn bộ chung cư có 80 căn hộ, hiện bên trong các căn hộ đều xuống cấp nghiêm trọng
Toàn bộ chung cư có 80 căn hộ, hiện bên trong các căn hộ đều xuống cấp nghiêm trọng
Một chuyên gia về lĩnh vực BĐS đánh giá, chung cư nằm ngay giao lộ Bùi Viện – Đỗ Quang Đẩu, sau lưng là đường Trần Hưng Đạo, có vị trí khá đẹp và thuận lợi cho việc kinh doanh. “Sắp tới sẽ có hàng loạt tập đoàn lớn sẽ giành nhau xin UBND Thành phố cải tạo chung cư này”- vị chuyên gia BĐS nhận định.
Theo Trí thức trẻ

6 lỗi phong thủy “hung” cần khắc phục ngay lập tức

Phía sau nhà có đường dốc hay nhà bị ngã ba đâm thẳng vào... cũng có thể là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến tài chính, các mối quan hệ, sức khỏe... của bạn và gia đình.

Phong thủy học cho rằng, năng lượng xung quanh ngôi nhà có ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta - theo tất cả các cách cả tốt và xấu. Có thể một số chuyên gia sẽ chỉ cho bạn biết nhà vệ sinh và cầu thang chính là những khu vực có nguồn năng lượng xấu nhất. Tuy nhiên sự thật quan trọng nhất lại nằm ở vị trí của ngôi nhà. Nếu nhà bạn đã nằm ở vị trí không tốt thì nhà vệ sinh hoặc cầu thang cũng không ảnh hưởng nhiều.
1. Nhà thấp hơn mặt đường
Điều này có nghĩa là nếu từ nhà nhìn thẳng ra tầm mắt sẽ bị đập vào một bức tường. Nó cũng giống như cuộc sống lúc nào cũng có một chướng ngại khổng lồ ngăn cản bạn tiến bước, hay bạn không có "người chống lưng".
Một ngôi nhà được cho là có vị trí tốt khi có không gian mở ở phía trước. Nó có thể là một bãi cỏ xanh, cho phép các chi năng lượng vào nhà nhẹ nhàng và dễ dàng.
6 lỗi phong thủy “hung” cần khắc phục ngay lập tức

Hóa giải: Trường hợp này rất khó hóa giải, vì không phải tất cả mọi thứ đều "có thể chữa được" trong phong thủy. Nếu nhà bạn bị phạm vào thế xấu này, hãy thử nâng năng lượng của ngôi nhà bằng cách giữ cho cửa phía trước luôn sáng sủa nhất có thể. Nhưng cách tốt nhất vẫn là chuyển nhà hoặc nâng nền nhà để cao hơn mặt đường.
2. Nhà ở ngã ba phạm mũi tên độc
Ngôi nhà bị đường đâm thẳng vào cửa là thế nhà phạm phong thủy xấu. Nếu cửa nhà mở về hướng đông thì con trai cả bị ảnh hưởng hoặc các mối quan hệ gia đình không được suôn sẻ. Nếu ngôi nhà quay về phía tây nam, các thành viên trong gia đình thường hay gặp tai nạn hoặc người phụ nữ trong gia đình bị ảnh hưởng.
Hóa giải: Thông thường mọi người tránh mua nhà ở ngã ba để không bị phạm loại sát khí này. Trong tình thế bắt buộc, chủ nhà có thể hóa giải bằng cách treo gương bát quái lồi trước cửa nhà.
3. Bếp đặt ở hướng Tây Bắc
Trong gia đình truyền thống hay hiện đại, phần lớn người đàn ông vẫn giữ vai trò trụ cột. Trong phong thủy, vị trí quan trọng đại diện trụ cột gia đình nằm ở khu vực Tây Bắc. Nếu góc này đặt bếp, bình nước nóng hoặc bếp nướng ngoài trời...sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới người đàn ông trong gia đình. Họ có thể bị tai nạn, ốm đau bệnh tật, hoặc mất việc, phá sản.
Hóa giải: Nếu dùng bếp gas sẽ nguy hại hơn nhiều. Cho nên, nếu không thể di chuyển vị trí bếp hãy thay bếp gas bằng bếp điện để hạn chế bớt ảnh hưởng của lửa.
4. Dốc đằng sau nhà
Ai cũng cần có những sự hỗ trợ nhất định để có thể vững vàng tiến về phía trước. Tuy nhiên, nếu ngôi nhà bạn đang ở có một con dốc phía sau thì nó sẽ khiến bạn dần dần bị mất đi những quý nhân phù trợ cho mình. Năng lượng vào trong nhà sẽ không đọng lại được mà nhanh chóng bị trượt ra khỏi đằng sau khiến cho chủ nhà khó tích lũy được tài chính. Về lâu dài, việc làm, các mối quan hệ và sức khỏe của các thành viên trong gia đình sẽ giảm sút.
Hóa giải: Nếu nhà phạm vào thế này, hãy cố gắng để ngăn chặn năng lượng chạy ra khỏi nhà bằng cách dựng hàng rào, trồng một hàng cây hay lắp thêm đèn lớn ở phía mặt sau của ngôi nhà.
5. Nhà đất thóp hậu
Nếu những ngôi nhà nằm trên mảnh đất nở hậu được cho là giúp trữ nhiều tiền bạc, thì ngược lại, nhà đất thóp hậu giống như một chiếc phễu lớn. Về lâu dài, ngôi nhà này thường không tốt, không bền vững. Còn về mặt thẩm mỹ thường khiến sắp xếp nội thất trở nên khó khăn.
Hóa giải: Trường hợp này có thể xây tường hoặc hàng rào để hóa giải tương tự trường hợp có dốc phía sau nhà.
6. Giường ngủ đối diện phòng tắm
Kiểu phòng ngủ này thường khiến chủ nhà và người trong gia đình dễ mắc các bệnh về xương khớp, cơ bắp và cũng có thể khiến tiền bạc bị thất thoát. Nguyên nhân là do bạn sẽ hấp thụ phải nguồn năng lượng tiêu cực phát ra từ phòng tắm hoặc nhà vệ sinh.
Hóa giải: Phòng ngủ nên được tách thành một căn phòng riêng, có cửa đóng kín cách li khỏi phòng tắm. Đồng thời bạn cũng nên di chuyển giường ra vị trí khác ít bị ảnh hưởng nhất.
Theo Lao động